TIN TRONG NGÀNH

Mở cửa thị trường xăng dầu?

Thứ ba, 23 tháng 5 năm 2017

 

Doanh nghiệp xăng dầu trong nước đã có đủ thời gian để xây dựng cơ sở vật chất, trấn giữ các vị trí quan trọng

Vài năm trước đây, việc mở cửa thị trường xăng dầu chỉ được đề cập một cách thận trọng bởi lý do bảo đảm an ninh năng lượng thì nay, nhiều ý kiến cho rằng nếu không mở cửa sớm sẽ rơi vào tình trạng "bị động".

 

Nước ngoài đã "xâm chiếm"

 

Dù rằng khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam không có chủ trương cho doanh nghiệp (DN) nước ngoài vào kinh doanh, phân phối, xuất nhập khẩu xăng dầu nhưng trong từng trường hợp cụ thể, Chính phủ cũng có những cam kết ngoại lệ. Do đó, không những Việt Nam buộc phải mở cửa thị trường mà thậm chí còn phải mở sớm hơn dự kiến.

 

Người nước ngoài được cho là đã có thể tham gia hợp pháp vào thị trường xăng dầu Việt Nam từ khi việc cổ phần hóa DN đầu mối xăng dầu của Việt Nam được triển khai. Theo đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã bán 103,5 triệu cổ phần, tương đương 8%, cho đối tác chiến lược là JX Nipppn Oil & Energy (Nhật Bản). Đồng thời, giảm tỉ lệ sở hữu vốn của cổ đông nhà nước do Bộ Công Thương làm đại diện xuống còn 75,87%.

 

Với dự án đầu tư Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) của Công ty TNHH Dầu khí Idemitsu 8 và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, thị trường cũng đang kỳ vọng về một nhà phân phối nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam để tăng tính cạnh tranh về mọi mặt, nhất là giá cả và chất lượng phục vụ. Công ty TNHH Dầu khí Idemitsu 8 sẽ có quyền tham gia phân phối xăng dầu tại Việt Nam khi Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động năm 2017 với công suất 8,4 triệu tấn dầu thô/năm trong giai đoạn đầu. Đây là cam kết giữa Chính phủ với phía nhà đầu tư dự án và chưa có tiền lệ.

 

Bày tỏ lo ngại trước "làn sóng nước ngoài" tràn vào thị trường xăng dầu, ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cho rằng lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu xăng dầu đến năm 2024 mới hoàn tất về 0% nhưng các yếu tố nước ngoài thực chất đã len lỏi vào. Kinh nghiệm từ bài học của thị trường bán lẻ cũng cho thấy khi gia nhập WTO, chưa đến thời hạn cam kết mở cửa, các DN FDI đã liên kết với DN Việt Nam thực hiện những yếu tố mở cửa thị trường. "Chính phủ cần tập trung đưa ra chiến lược phát triển thị trường xăng dầu dài hạn với những quyết sách quan trọng như có mở cửa thị trường xăng dầu sớm hơn cam kết không? Nhiều hiệp định song phương, đa phương đã ký tuy không cam kết mở cửa thị trường về cơ chế chính sách nhưng các dòng thuế nhập khẩu giảm sâu đã là nội dung cơ bản của mở cửa thị trường. Do vậy, để bảo hộ sản xuất trong nước, cần xây dựng các "hàng rào" mà WTO không cấm để bảo vệ thị trường cũng như các DN trong nước" - ông Ruệ kiến nghị.

 

Doanh nghiệp trong nước đã đủ lực

 

Dù giới kinh doanh xăng dầu bày tỏ nhiều quan ngại khi mở cửa thị trường, các chuyên gia vẫn cho rằng đã đến thời điểm phải mở cửa. Chuyên gia thương mại Phạm Tất Thắng, tư vấn cao cấp Viện Thương mại - Bộ Công Thương, nhìn nhận lĩnh vực nào bảo hộ, đóng cửa thì lĩnh vực đó sẽ tụt hậu so với thế giới, gây thiệt hại cả cho đất nước, giới kinh doanh và người tiêu dùng.

 

Với mặt hàng xăng dầu, ông Thắng thừa nhận là mặt hàng chiến lược, ảnh hưởng lớn đến quốc kế dân sinh, an ninh năng lượng nên nhà nước đã có bước tính toán kỹ lưỡng đến việc vận hành thị trường. "Khi vào WTO hay một số hiệp định thương mại song phương, chúng ta không cam kết mở cửa thị trường xăng dầu để cho các DN trong nước có thời cơ vươn lên xây dựng cơ sở vật chất và trấn giữ những vị trí quan trọng. Những việc đó, theo tôi, đến nay đã hoàn thành" - ông Thắng nói.

 

Do vậy, theo ông Thắng, đã đến lúc nhà nước phải mở cửa thị trường xăng dầu bởi nếu không, nước ngoài vẫn vào bằng nhiều cách khác nhau. Khi đó, sẽ rơi vào tình trạng mở cửa một cách bị động. "Để tránh bị động, ngay từ bây giờ cần có tư tưởng mở sớm thị trường xăng dầu, khuyến khích tư nhân tham gia, bỏ kinh doanh độc quyền" - ông Thắng nêu quan điểm...

Theo Vietstock