TIN NỘI BỘ

“USD để làm nhiều việc khác, không phải chỉ để nhập xăng dầu”

Thứ tư, 17 tháng 9 năm 2014

Theo lộ trình của Thủ tướng Chính phủ, xăng sinh học E5-RON 92 sẽ chính thức được sử dụng tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 1/12/2014 cùng với 6 tỉnh thành khác trên cả nước. Ở thời điểm này, chưa thể hình dung phản ứng của người tiêu dùng Thủ đô với việc sử dụng loại nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường này.


Dù vậy, ở Quảng Ngãi, địa phương đã đi trước 3 tháng so với lộ trình của Chính phủ, xăng E5 (pha 5% cồn E100) đã được sử dụng trên toàn tỉnh miền Trung này từ ngày 1/9/2014, với số lượng 4,8 triệu lít được Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lọc-Hóa Dầu Bình Sơn (BSR) bán ra thị trường.

 

Xăng E5 đã được sử dụng cho tất cả các loại xe, động cơ trên toàn tỉnh Quảng Ngãi và không thấy có một phản ánh thiếu tích cực nào, hay kêu ca nào về hỏng hóc động cơ. Điều đó đã khẳng định đặc tính kỹ thuật ưu việt của loại nhiên liệu này, cũng như tính đúng đắn của lộ trình chiến lược, hướng tới một môi trường Xanh-Sạch.

 

“Thiên thời, địa lợi”

 

Có nhiều lý do cho chủ trương Quảng Ngãi là tỉnh đi đầu, làm thí điểm sử dụng xăng E5 trước khi nhân rộng mô hình, nhưng điều đầu tiên phải kể tới nhân tố “địa lợi”. Hiện công suất của nhà máy thuộc Công ty cổ phần nhiên liệu sinh học dầu khí miền Trung thuộc BSR là khoảng 100 triệu lít Ethanol/năm, tương ứng với mức sản lượng 2 tỷ lít xăng E5. Và theo lời Tổng Giám đốc BSR, ông Đinh Văn Ngọc: “Chúng tôi đã sẵn sàng đi vào vận hành 100% công suất, tùy theo nhu cầu thị trường.”

 

Ông Đinh Văn Ngọc cho rằng nếu 7 tỉnh thành phố triển khai tốt mục tiêu và chỉ đạo của Chính phủ, nhu cầu tiêu thụ xăng E5 sẽ "bùng nổ".

 

Vào thời điểm đầu tháng Chín này, trong kho của Công ty cổ phần nhiên liệu sinh học dầu khí miền Trung còn khoảng 2.000m3 cồn E100. Kể từ khi nhà máy xăng E5 đi vào vận hành từ ngày 1/1/2014, Công ty Bình Sơn đã mua dự trữ (cồn E100) để đảm bảo nguồn cung không bao giờ gián đoạn, dù bất cứ tình huống nào.

 

Không phải là nhà máy sản xuất xăng E5 duy nhất trên cả nước, nhưng cơ sở ở Bình Sơn là nhà máy nhiên liệu sinh học duy nhất hiện đang vận hành trên cả nước. Theo một số chuyên gia, dưới góc độ kinh tế, nếu so sánh với cơ sở ở tỉnh Bình Phước (cũng đạt công suất 100 triệu lít E100/năm), thì nhà máy ở Bình Sơn đang có nhiều ưu thế lớn vì cồn E100 được pha trực tiếp vào xăng của nhà máy lọc dầu Dung Quất, rồi xuất qua đường biển.

 

Ngược lại, nhà máy ở Bình Phước lại phải xuất cồn E100 bằng xe bồn, từng xe bồn lại phải đi đến trạm pha trộn, rồi xăng E5 đi từ Bình Phước tới bến cảng nào đó mới xuất được.

 

Riêng tại Bình Sơn, sản phẩm cồn E100 của nhà máy đã nối với tuyến đường ống xuất của nhà máy lọc dầu Dung Quất. Theo Tổng Giám đốc Đinh Văn Ngọc: BSR không hề gặp bất kỳ hạn chế nào trong việc xuất xăng E5 cho các đối tác trong nước và quốc tế. Tất cả đều có thể mua cồn E100 từ Bình Sơn một cách vô cùng thuận lợi vì tàu có trọng tải từ 3.000-5.000 tấn đều có thể vào khu vực cảng của nhà máy để lấy cồn E100.

 

“Tốt nhưng chưa được ưu đãi”

 

Về mặt khoa học, không thể tranh cãi những ưu điểm của xăng sinh học E5-RON 92 bởi đây là một sản phẩm rất tốt. Ở Việt Nam, nếu nhìn lại từ 10 năm trước, khi người tiêu dùng ban đầu cũng tỏ ra khá thận trọng khi từ bỏ xăng pha chì, chuyển sang dùng xăng không chì. Mọi thói quen đều có thể được thay đổi, một khi công tác tuyên truyền về ưu điểm bảo vệ môi trường được làm tốt, cộng với một hành lang pháp lý chặt chẽ.

 

Các báo cáo khoa học đã chỉ ra rằng nhờ hàm lượng oxygen trong xăng E5, nó giúp cho việc cháy trong động cơ ít tạo muội, khói, độ bền động cơ sẽ cao hơn, giảm khí CO2, SO2 và SO3 trong không khí.

 

Để triển khai nhanh việc phổ cập sử dụng xăng E5, chúng ta đang cần có chính sách hỗ trợ và ưu đãi những sản phẩm có tính ưu việt trong bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

 

Từ kinh nghiệm của các nước trong khu vực như Philippines, đặc biệt là Thái Lan từ những năm 2000 đã sử dụng xăng E5, tới 2005 đã chuyển sang xăng E10. Cách triển khai là phải có hệ thống hành lang pháp lý (tiêu chuẩn, chất lượng, hệ thống quản lý, tiêu chuẩn ngành) những công bố tiêu chuẩn nhà nước về xăng E5, về hệ thống tàng trữ phân phối và các quy chuẩn kèm theo. Tiếp theo là cần các chính sách về ưu đãi, những chính sách để thúc đẩy quá trình sản xuất cũng như phân phối và kinh doanh.

 

Cuối cùng là sự vào cuộc một cách quyết liệt và có trách nhiệm của các tỉnh, thành phố đã nằm trong lộ trình. Tuy nhiên, trên thực tế, xăng E5 dù mang lại nhiều lợi ích kinh tế và môi trường, nhưng lại chưa được ưu đãi thuế môi trường. Hiện ở Việt Nam, thuế môi trường mới được áp dụng cho 5% của phần cồn chứ không phải là toàn bộ thành phần xăng.

 

Trên thực tế, từ năm 2012, chính Công ty Bình Sơn đã ra chỉ thị bắt buộc sử dụng nhiên liệu sinh học đối với các phương tiện xe của công ty. Điều này đã một lần nữa khẳng định tính an toàn khi sử dụng sản phẩm nhiên liệu sinh học này, bởi đội xe của Công ty Bình Sơn đang phục vụ cho một công trình trọng điểm an ninh quốc gia.

 

Trách nhiệm cộng đồng


Xăng E5 sẽ giúp giảm được sự phụ thuộc vào xăng khoáng (sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch), giảm phụ thuộc vào nhập khẩu. Nếu tăng từ 5% (cồn E100) lên quy mô cả nước, sau đó lên mức 10%, thì giảm được 10% lượng xăng khoáng, tương ứng với lượng USD để nhập khẩu.

 

Mặt khác, theo một số chuyên gia, việc phát triển vùng trồng sắn - nguyên liệu chính cho sản xuất xăng E5 ở Việt Nam – sẽ không ảnh hưởng tới an ninh lương thực, bởi sắn không cạnh tranh với sản phẩm nông nghiệp như lúa hay ngô.

 

Ở Việt Nam, đa số các vùng hoang hóa đặc trưng thì chỉ thuận lợi cho việc trồng sắn chứ không thuận lợi cho các cây trồng cây nông nghiệp khác. Thực tế, điều này sẽ tạo công ăn việc làm cho người dân vùng sâu vùng xa, người dân nghèo.

 

Tổng Giám đốc BSR Đinh Văn Ngọc cũng cho rằng trong thời điểm nền kinh tế nội địa đang gặp nhiều khó khăn, thì việc phổ biến xăng E5 sẽ giúp tiết kiệm nguồn ngoại tệ, tạo công ăn việc làm cho nhiều địa phương. “USD để làm nhiều việc khác, không phải chỉ để nhập xăng dầu”, ông Ngọc quả quyết, “Ngay lúc này, việc đưa một sản phẩm tốt ra thị trường, giảm ô nhiễm, tạo công ăn việc làm và giảm sự phụ thuộc nhập khẩu xăng dầu của nước ngoài chính là một trách nhiệm của cộng đồng.”.

Theo Thông tấn xã Việt Nam (Vietnam Plus)